PGS. TS Bùi Hiền là ai?

"Là người đã đưa ra đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ từ nhiều năm trước, PGS.TS Bùi Hiền là nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết và nghiêm túc, mọi sự chỉ trích đều là không nên", PGS.TS Nguyễn Hào nói.

>> Nguồn: http://vietnammoi.vn/pgsts-bui-hien-nguoi-de-nghi-chuyen-tieng-viet-sang-tieq-viet-la-ai-64078.html

Là một nhà giáo có gần 30 năm công tác giảng dạy và quản lý tại Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hào - Nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường đã có những chia sẻ của mình về PGS.TS Bùi Hiền, tác giả của đề xuất một phương án cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh luận trong những ngày qua.


Đề xuất một phương án cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền đưa ra vẫn đang gây ra nhiều tranh luận. Ảnh tư liệu.

PGS.TS Nguyễn Hào cho hay, thầy Bùi Hiền là một trong những người đồng nghiệp, cộng sự của mình trong suốt nhiều năm qua: "Anh Hiền là một cán bộ nghiên cứu khoa học nghiêm túc và rất chân thành. Ông là một con người đứng đắn và làm việc hăng say. Việc ông Hiền tiến hành một công trình nghiên cứu về cải tiến chữ quốc ngữ tôi cho là việc làm bình thường và rất tâm huyết. Phải là con người rất tâm huyết thì mới dành thời gian cả mấy chục năm để nghiên cứu một công trình như vậy. Việc này là rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, phương án mà thầy Hiền đưa ra chưa chắc đã làm cho mọi người chấp nhận ngay. Có thể có những chỗ khiến người ta thấy lạ quá nên sinh ra thắc mắc và không đồng tình. Theo tôi, sự cải tiến thì bao giờ cũng cần. Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ đã được đề ra từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ. Từ những năm 60 của thế kỷ trước đã có những hội nghị chuyên đề về cải tiến chữ quốc ngữ, có in sách hẳn hoi nhưng sau đó lại bị 'đánh trống bỏ dùi'. Về sau còn có quy định về viết chính tả của Bộ GD&ĐT nên mọi người cứ thế và làm theo chứ không ai nghĩ tới chuyện cải tiến.

Tôi thấy có được sự tâm huyết về cải tiến như của thầy Hiền là tuyệt vời và đáng được trân trọng. Đành rằng theo quy tắc mới mà thầy Hiền đề xuất, giả sử thay chữ 'Ng' thành chữ 'Q' thì có thể hơi lạ do chúng ta chưa quen. Việc đưa ra đề xuất lần này của thầy Hiền cũng tạo ra không khí nghiên cứu, tranh luận với nhau".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hào, tấm gương lao động miệt mài của PGS Bùi Hiền là một điển hình cần học tập. Thầy Bùi Hiền ngoài chuyên môn dạy tiếng Nga cũng làm về tâm lý, các loại từ điển... Ông cũng mong có nhiều nhà khoa học của chúng ta chuyên tâm như thế. Dù đã 83 tuổi nhưng thầy Hiền vẫn còn say sưa nghiên cứu chứ không hề có tâm lý nghỉ ngơi để "vui thú điền viên". Tinh thần của thầy Hiền thật rất đáng trân trọng.

Bảng chữ cái theo đề xuất cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền.


Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hào cũng xác nhận, PGS.TS Bùi Hiền là Trưởng ban Nga văn đầu tiên của Trường ĐH Ngoại ngữ từ những năm 1955 - 1956. Là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôn ngữ Nga của Việt Nam. Rất nhiều sinh viên học tiếng Nga ở Việt Nam đều ít nhất đọc một cuốn sách do thầy Bùi Hiền làm chủ biên.

PGS Nguyễn Hào cho biết, ngành ngôn ngữ học xưa nay tồn tại khá nhiều vấn đề nhưng chưa có nhiều ý kiến cả về chữ viết lẫn âm nói. Thầy Bùi Hiền đã về hưu từ năm 1993. Đến thời điểm hiện tại, công trình nghiên cứu này lấy từ chính tiền lương hưu của ông. Mọi lời chỉ trích thiếu văn hóa, chỉ trích nặng nề của dư luận dành cho thầy Bùi Hiền là rất không nên.

PGS Bùi Hiền còn là tác giả của hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, 4 bộ từ điển các loại, trong đó có bộ “Từ điển giáo khoa Nga – Việt” dày 1.800 trang được gắn hai Huy chương quốc tế là “Bussiness initiative directions” và “International gold star for quality".

Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay, PGS Bùi Hiền vẫn không ngừng nghiên cứu và sáng tạo để cùng đồng nghiệp hoàn thành cuốn Giáo khoa Nga – Việt kể trên vào đúng dịp Tổng thống V.Putin sang thăm Việt Nam (2001) và đang gấp rút hoàn thành cuốn “Từ điển giáo khoa Việt – Nga” (khoảng 1.500 trang với 20.000 từ) vào cuối năm 2006.

PGS.TS Bùi Hiền (quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ) vốn mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ông đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và ý chí vươn lên để trở thành một người có ích cho xã hội. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng II; Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga; Huy chương “Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến