Giải đáp về Uber mới: thực tế là đi càng xa càng đắt,

Giải đáp về giá cước Uber mới: thực tế là đi càng xa càng đắt, đi gần cũng đắt hơn 25%, giá Surge Price và thời gian dự tính đều bị ẩn

Công thức tính giá của Uber rất rõ ràng, nhưng các ẩn số trong đó thì không như vậy.

Nếu như các bạn chưa biết thì bắt đầu từ sáng này 4/11 Uber đã chính thức áp dụng cách tính cước phí mới dành cho UberX và Uber Moto tại Việt Nam, cụ thể cách tính mới này sẽ ra sao? Và nó có lợi hay có hại cho người tiêu dùng? Rất tiếc là Uber không công bố nhiều, thông tin duy nhất mà họ đưa ra đó là cước phí mới sẽ tăng so với trước đây khoảng 25% ngoài ra chúng ta không có thêm bất cứ thông tin nào cả.


Để tìm ra được sự thực biểu giá mới của UberX tại Hà Nội đã tăng lên bao nhiêu, chúng tôi đã tiến hành trải nghiệm thực tế bằng 1 chuyến Uber và đây là những gì chúng tôi rút ra được.

1. Công thức tính giá mới

Cách tính cũ (giá/km chỉ là 5.000đ/km)

Phí chuyến đi = Phí mở cửa (5,000) + [5.000 x số km + 300 x thời gian chuyến đi thực tế]

Cách tính mới (theo thông tin của 1 lái xe UberX, giá/km giờ là 7.500đ/km, tăng 50% so với giá cũ)

Phí chuyến đi = 7.500 x số km + 300 x thời gian chuyến đi do Uber dự tính

(Phí chuyến đi tối thiểu là 15.000 đồng).

*Con số tổng được Uber hứa hẹn là sẽ tăng 25%

*Thời gian chuyến đi Uber dự tính không được công bố và bạn cũng không có cách nào xem được con số này là bao nhiêu.

Trên thực tế, công thức này cũng đồng nghĩa với việc bạn đi càng xa thì càng đắt, mức giá tăng lên rất nhiều so với bình thường nếu bạn đi nhiều hơn 6km, không phải chỉ 25%. Ví dụ nếu bạn đi 10km trong 30 phút, theo mức giá cũ, bạn sẽ phải trả:

5.000 + 5.000 x 10 + 300 x 30 = 64.000 VNĐ, tương đương 6.400 VNĐ/km

Theo mức giá mới, bạn sẽ phải trả:

7.500 x 10 + 300 x 30 = 84.000 VNĐ, tương đương 8.400 VNĐ/km (tăng 31,25%)

Tổng mức giá này tăng 31,25%, chứ không phải 25% như Uber công bố.

Để kiểm tra xem đi quãng đường ngắn, mức tăng có phải 25% không, chúng tôi đã thực hiện kiểm tra trên quãng đường ngắn hơn như vậy (chi tiết xem bên dưới).


Tuy nhiên, công thức mới ngoài những khác biệt ở bên trên nó còn bị ẩn đi 1 thành phần vô cùng quan trọng đó là mức tăng cước giờ cao điểm (Surge Price).
Surge Price cũ:

Mức Surge Price được thông báo ngay trước khi bắt đầu đặt xe,người dùng sẽ biết thời điểm đó giá sẽ bị tăng lên bao nhiêu lần và đưa ra quyết định sẽ đặt xe ngay hoặc chờ đến khi hết giờ cao điểm.

Surge Price mới:

Mức Surge Price không hiển thị ra ngoài cho người dùng biết, Uber chỉ thông báo mức phí cuối cùng bao gồm cả chi phí chuyến đi và mức Surge Price. Hành khách sẽ xem giá thành cuối cùng này để xác định có tiếp tục đặt xe hay tìm phương án khác.

Chính vì việc mức tăng giá giờ cao điểm đã bị ẩn và dồn chung vào giá cước cuối cùng nên chúng ta rất khó có thể xác định rằng giá bị tăng lên bao nhiêu %.

2. Tính giá từ 1 ví dụ thực tế: Surge Price thấp còn bị ẩn luôn, đi ngắn vẫn đắt, không hề rẻ

Ở một ví dụ thực tế, chúng tôi thực hiện một chuyến đi bằng UberX kéo dài 2,66 km trong khoảng thời gian 6 phút 14 giây và giá cuối cùng phải thanh toán là 25.000 đồng.



Thử áp dữ kiện của chuyến đi trên với cách tính giá cũ và mới chúng ta có mức giá lý thuyết như sau:

Cách tính cũ:

Phí chuyến đi = 5000 + 5000 x 2,66 + 300 x (360+14)/60 = 20,170 đồng và Uber sẽ làm tròn thành 20,000 đồng.

Cách tính mới:

Phí chuyến đi = 7500 x 2,66 + 300 x (360+14)/60 = 21,800 đồng.

Nhưng trên thực tế, chúng tôi lại phải trả tới 25.000 đồng. Hôm nay, khi thực hiện lại cùng chuyến đi này, với cùng thời gian đó, chúng tôi lại chỉ phải trả 23.000 đồng, như vậy hôm qua vào giờ trưa, Surge Price đã bị áp dụng mà chúng tôi không hề hay biết (với mức nhân 1,14).

Tuy nhiên, với trường hợp Surge Price cao hơn (1,3 trở lên) thì Uber lại có thông báo, tuy nhiên thông báo này không rõ ràng, cụ thể như sau:


3. Ưu nhược điểm của cách tính mới

Từ những ví dụ ở trên chúng ta có thể thấy cách tính mới có những ưu điểm và nhược điểm rất riêng so với cách tính cũ, cụ thể như sau:

Ưu điểm:


- Chốt giá cuối cùng trước khi đặt xe, toàn bộ vấn đề như tắc đường, đi đường vòng, đi chậm đều không ảnh hưởng tới giá phải thanh toán. Ứng dụng hiện bao nhiêu tiền, bạn sẽ phải trả bấy nhiêu.

- Không còn phí mở cửa cộng thêm vào mọi chuyến đi.

Nhược điểm:

- Giá nhân cước phí giờ cao điểm bị ẩn đi, với các chuyến đi ngắn người dùng sẽ không dễ nhìn ra mình bị thiệt hơn giá cũ bao nhiêu (thực chất giá sẽ luôn cao hơn hoặc bằng mức 25% như công bố). Với các chuyến đi xa trên 6km, cước phí tăng lên đáng kể so với trước.

- Không thể tránh giờ nhân cước phí.

- Giá mới đã bắt đầu gần bằng với Taxi truyền thống.
 
Đây là động thái mới nhất của Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo Trí Thức Trẻ/GenK

Nhận xét

Bài đăng phổ biến