Kinh nghiệm sinh nở tại bệnh viện Bưu điện Hà Nội
Rất nhiều sản phụ băn khoăn khi lựa chọn bệnh viện để sinh nở. (Ảnh: Báo mới) |
Đồ đạc cần mang khi sinh
Giống như các bệnh viện sản khác, khi sinh nở và nằm viện tại bệnh viện Bưu điện, sản phụ dùng hoàn toàn đồ bệnh viện cấp cho, bao gồm quần áo, chăn cho mẹ, áo, tã chéo, chăn ủ cho con.
Điểm đặc biệt là bệnh viện không giới hạn giờ thuê đồ trong viện. Người nhà bệnh nhân có thể xin đổi đồ mới sạch cho mẹ và bé bất cứ lúc nào trong ngày. Như vậy không cần mang quá nhiều đồ vì thực sự không cần thiết.
Bệnh viện cũng có cây nước nóng và có cho mượn phích để đựng nước nóng. Cây nước nóng hoạt động 24/7, rất tiện lợi và sạch sẽ.
Không cần thiêt phải mang quá nhiều đồ mặc khi đi sinh. (Ảnh: Báo mới) |
Khi đi sinh, thai phụ cần mang các giấy tờ và đồ đạc sau:
- Bộ hồ sơ sinh trước đó đã làm ở bệnh viện bao gồm các xét nghiệm máu, nước tiểu và kết quả siêu âm gần nhất.
- Chứng minh thư nhân dân và thẻ bảo hiểm (nếu có)
- Đồ cho mẹ cần mang: Bộ đồ để mặc khi ra viện, bỉm cho mẹ, đồ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt, kem đánh răng và bàn chải đánh răng, cốc uống nước.
- Đồ cho bé cần mang: Bộ đồ để mặc khi bé ra viện, bỉm cho bé, khăn xô.
Về phòng ốc của bệnh viện
Khoa sản của bệnh viện Bưu điện có cung cấp 3 loại phòng. Phòng 6 giường, phòng 3 giường và phòng dịch vụ 1 giường. Cả 3 loại phòng này đều có nhà vệ sinh, trang bị điều hòa khá đầy đủ và có nhân viên vệ sinh đến lau dọn thường xuyên. Với những mẹ sinh thường, thời gian lưu trú tại viện ít thì có thể chọn phòng 6 giường. Với những mẹ sinh mổ, người yếu, đau vết mổ nhiều nên chọn phòng 3 giường hoặc phòng 1 giường thì sẽ yên tĩnh hơn.
Giường của bệnh viện khá rộng và thoải mái. Người nhà muốn ở lại chăm sóc sản phụ có thể thuê giường gập với giá chỉ 10 nghìn đồng.
Bệnh viện Bưu điện khá sạch sẽ. (Ảnh: Minh Trang) |
Các thủ tục khi nhập viện và ra viện
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ được đưa lên thẳng tầng 3 (khoa sản) để vào phòng khám. Tại phòng khám, thai phụ được khám trong, nghe tim thai. Nếu đẻ mổ thì sẽ chuyển sang phòng mổ ngay. Nếu đẻ thường khi cổ tử cung mở gần hết, sản phụ sẽ được chuyển vào phòng đẻ.
Trong khi đó người nhà sẽ xuống quầy tầng 1 để làm các thủ tục nhập viện. Tại quầy tầng 1, nếu đẻ thường người nhà nộp trước 7 triệu đồng, nếu đẻ mổ, nộp trước 9 triệu đồng. Số tiền này, thừa hay thiếu sẽ thanh toán lại vào ngày ra viện. Ngoài ra phải nộp chứng minh thư nhân dân của sản phụ và thẻ bảo hiểm nếu có.
Nếu đẻ mổ chủ động, chi phí sẽ đắt hơn. (Ảnh: Báo mới) |
Đối với sản phụ sinh mổ, người nhà ký cam kết đồng ý mổ. Để đáp ứng nhu cầu của sản phụ khi sinh con tại bệnh viện Bưu điện, khoa sản bệnh viện thực hiện mổ lấy thai theo yêu cầu bao gồm yêu cầu bác sĩ mổ và yêu cầu chọn giờ mổ. Sản phụ có nhu cầu mổ lấy thai theo nhu cầu thì ngoài chi trả viện phí như bình thường, sẽ phải nộp thêm chi phí mổ là 3 triệu đồng, để bệnh viện chi trả cho kíp mổ và gây mê. Quy định này được thực hiện từ ngày 15/8/2016.
Sau đó người nhà nhận phiếu lấy đồ và đi lấy đồ dùng trong viện, rồi trở lại tầng 3 chờ sản phụ sinh xong thì nhận phòng lưu lại viện.
Với trường hợp sinh mổ, sau sinh, sản phụ được chuyển vào phòng hậu phẫu. Thời gian nằm tại đây nếu vào ban ngày sẽ chỉ là 2 tiếng, nếu ban đêm thì sẽ là 4 tiếng. Khác với bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện Bưu điện trả con ngay về với người nhà, lưu tại phòng chăm sóc, trong khi mẹ vẫn được theo dõi tại phòng hậu phẫu.
Khi ra viện, trước khi ra viện, người nhà đem trả đồ ở tầng 4. Sau khi trả đồ, nhân viên bệnh viện sẽ phát cho một cái phiếu hoàn tất trả đồ. Nếu làm mất đồ gì, họ sẽ ghi rõ trong phiếu để trừ tiền khi thanh toán viện phí ở tầng 1. Tiếp theo, người nhà sản phụ xuống tầng 3 khoa sản để nhận giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận phẫu thuật (nếu sinh mổ). Cuối cùng xuống quầy tầng 1 đem theo phiếu trả đồ, giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận phẫu thuật (nếu sinh mổ) để thanh toán viện phí. Nhân viên tại quầy sẽ tính toán và hoàn trả lại tiền nếu thừa hoặc yêu cầu đóng thêm nếu khoản ứng trước ban đầu không đủ. Nhưng đa phần trường hợp, nếu có bảo hiểm thì thường đều được hoàn trả lại một khoản.
Phòng 6 giường là phòng đông nhất của khoa sản bệnh viện nhưng vẫn khá sạch sẽ. (Ảnh: Minh Trang) |
Một số lưu ý khác
Bệnh viện quy định giờ vào thăm bệnh nhân sáng từ 11 giờ đến 13 giờ. Chiều từ 16 giờ đến 21 giờ.
Giờ tắm bé vào khoảng 9 giờ. Trong lúc bé được đưa đi tắm, thì nhân viên y tế đến kiểm tra vết mổ, vết khâu cho mẹ, làm vệ sinh, tiêm thuốc. Sau khi bé tắm xong, đưa về phòng, sẽ có bác sĩ đến khám cho bé, xem có bất thường gì không. Bác sĩ cũng tư vấn một số kiến thức về nuôi con sữa mẹ, cách cho bé bú và rất nhiệt tình trả lời những câu hỏi, thắc mắc của sản phụ, người nhà sản phụ.
Lưu ý là khi bác sĩ, nhân viên y tế vào phòng để khám cho mẹ và bé, thì người nhà đều phải đi ra ngoài. Đây cũng là nguyên tắc chung của mọi bệnh viện sản tại Hà Nội.
Minh Trang
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét