Quy định về xin giấy chuyển viện để hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến
Vợ em chuẩn bị sinh và có đăng ký BHYT tại bệnh viện quận Bình Tân TP HCM. Nay vợ em có nhu cầu muốn xin giấy chuyển viện qua bệnh viện Từ Dũ mà bên bệnh viện Bình Tân không cho giấy chuyển viện, với lý do là bệnh viện Bình Tân có khoa sản. Vậy em muốn hỏi luật sư là bệnh viện Bình Tân làm vậy có đúng không?. Vì mục đích của em là chuyển lên bệnh viện đầu ngành và gần nhà thì yên tâm hơn.
Hoàng Thái
Ảnh minh họa. |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Theo như bạn trình bày, bạn đăng ký BHYT tại bệnh viện quận Bình Tân TP HCM có nhu cầu muốn xin giấy chuyển viện qua bệnh viện Từ Dũ. Mà Bệnh viện Bình Tân là bệnh viện có khoa Sản (có khám thai và đỡ sinh em bé) nên không thể cho bạn chuyển tuyến (chuyển viện) sang bệnh viện Từ Dũ. Như vậy, bệnh viên Bình Tân không cấp giấy chuyển viện cho bạn là hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật.
Trường hợp quá trình khám thai cho bạn có phát sinh những bất thường vượt quá khả năng chuyên môn, bệnh viện Bình Tân mới cho bạn chuyển tuyến (chuyển viện) sang bệnh viện Từ Dũ.
Còn việc chuyển tuyến, nếu không được chuyển tuyến (chuyển viện) đúng tuyến thì bạn không được BHYT chi trả khi khám thai tại bệnh viện Từ Dũ (ngoại trú) và chỉ được BHYT thanh toán trái tuyến khi nhập viện sinh tại bệnh viện Từ Dũ (nội trú). Mức thanh toán trái tuyến như sau: BHYT thanh toán 40% chi phí thuộc trách nhiệm thanh toán của BHYT, bạn tự thanh toán tất cả phần viện phí còn lại.
Những trường hợp được chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT
Theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có 6 trường hợp được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đãđược xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).
- Người có thẻ bảo hiểm y tế được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.
- Đối với trường hợp cấp cứu: Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án. Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.
- Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu.
Cũng ở Thông tư này, tại Điều 12 quy định việc sử dụng Giấy chuyển tuyến đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế quy định: trong trường hợp người bệnh được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi; Trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi;
Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Riêng một số trường hợp mắc bệnh mạn tính, trong đó có các bệnh như hội chứng viêm thận mạn, suy thận mạn, chạy thận nhân tạo chu kỳ… thì được sử dụng giấy chuyển tuyến từ cơ sở y tế tuyến trước từ ngày được giới thiệu cho đến hết ngày 31/12 của năm đó.Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.
Việc sử dụng Giấy hẹn khám lại: Mỗi Giấy hẹn khám lại chỉ sử dụng một lần theo thời gian ghi trong Giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật gia: Đồng Xuân Thuận
Theo Đời sống & Pháp lý
Nhận xét
Đăng nhận xét