Điểm chuẩn đại học 2017 cao kỷ lục, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học vì sao?
Điểm chuẩn đại học 2017 cao kỷ lục, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học vì sao?
Ngày 31/7, hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã hoàn thành việc công bố điểm chuẩn, nhiều trường có mức điểm chuẩn cao nhất trong lịch sử của trường.
30 điểm vẫn trượt!
Ngày 29/7, khối trường thuộc ngành công an công bố điểm chuẩn đầu tiên. Điểm chuẩn vào khối trường này "gâu sốc" cho hầu hết thí sinh vì quá cao. Đa số các trường trực thuộc lấy từ 28 điểm trở lên. Đặc biệt, khoa tiếng Anh của Học viện Công an Nhân dân lấy 30,5 điểm đối với nữ (3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ). Vậy, trong trường hợp này, 30 điểm thí sinh vẫn không đỗ trường mình yêu thích.
Điểm chuẩn khối A, thí sinh nữ, phía Bắc, của Đại học Phòng cháy chữa cháy ở ngưỡng 30,25 điểm. Tuy nhiên, trong số bốn thí sinh cùng mức 30,25 điểm, trường chỉ lấy ba thí sinh có tổng điểm ba môn chưa làm tròn cao nhất, từ 28,35 điểm. Một thí sinh còn lại vẫn không đỗ.
Tính nhẩm đơn giản cho thấy, thí sinh phải có 2 môn phải đạt 10, 1 môn 8,35 mới mong... đỗ. Nếu 3 môn chỉ đều 9 thì... trượt. Đối với thí sinh nam, phía Bắc, điểm chuẩn của Đại học Phòng cháy chữa cháy là 28,25 điểm. Tuy nhiên, trong số 16 thí sinh cùng mức 28,25 điểm, trường chỉ lấy 6 thí sinh gồm 4 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn đạt 27,65 điểm; 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn chưa làm tròn 27,35 điểm và môn Toán đạt 9,6 điểm.
Hay khối trường không xét tuyển điều kiện như Học Viện Tài Chính, năm nay điểm xét tuyển tăng mạnh, có ngành tăng 9 điểm so với năm ngoái khiến thí sinh khóc dở mếu dở.
Điểm chuẩn cao đã được dự báo trước
Ngày 12/7, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2017 ở mức 15,5 điểm. Đây là mức điểm vừa phải và an toàn, đảm bảo đánh giá đúng năng lực thí sinh khi xét tuyển.
Cũng theo mức điểm sàn của Bộ, các trường ĐH, CĐ cũng bắt đầu nhận hồ sơ bằng với điểm sàn, thậm chí ở các trường tốp trên như ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hay ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM cũng chỉ lấy sàn là 15,5 điểm.
Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ và điểm chuẩn của trường chưa bao giờ là bài toán có cùng đáp án. Đặc biệt khi chiều 31/7, ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM công bố điểm chuẩn cao nhất của hai ngành Báo chí và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lên đến 27,25 điểm. Hay như ĐH Bách Khoa TP.HCM có điểm chuẩn ngành "hot" Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính lên đến 28 điểm. Đây đều là những mức điểm chuẩn cao nhất trong lịch sử của những trường này.
Điểm chuẩn ĐH, CĐ 2017 của nhiều trường ở mức cao kỷ lục. Ảnh: Quỳnh Anh
Thực chất, điểm chuẩn cao đã được dự báo từ trước, Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ - Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Ngân hàng TP.HCM từng đưa ra lời khuyên với sĩ tử: "Nhiều trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn và cho biết điểm chuẩn của trường chỉ tăng 1 đến 2 điểm chỉ là biện pháp thu hút thí sinh đăng ký vào trường nhiều hơn mà thôi. Theo tôi điểm chuẩn năm nay sẽ rất cao, có khối sẽ tăng tới 3 hoặc 4 điểm".
Lý giải điểm chuẩn tăng cao, Thạc sĩ Trần Duy Can (Phòng quản lí đào tạo - Công tác sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: "Nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn tăng cao, đó là việc không giới hạn nguyện vọng của thí sinh, do đó, thí sinh sẽ dành nguyện vong 1 vào những trường, ngành "hot" với tâm lý rớt nguyện vọng 1 trường này vẫn còn NV2,3... ở những trường khác, điều này dẫn đến số lượng hồ sơ nộp vào các trường tốp trên tăng cao, kéo theo điểm chuẩn của trường cũng sẽ tăng theo".
Ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM cũng cho biết: "Số lượng thí sinh đăng ký vào trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM lên tới hơn 20.000 thí sinh, trong khi đó trường chỉ tuyển 2570 sinh viên, do đó mức điểm chuẩn buộc phải tăng cao để có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp".
Còn theo Thạc sĩ Lương Đình Thành - Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Bách Khoa TP.HCM nhận định: "Mặt bằng điểm năm nay khá cao, riêng với trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, rất nhiều thí sinh có mức điểm 28 và 29 điểm nộp vào, đặc biệt ở ngành "hot" như Khoa học máy tính, do đó điểm chuẩn ngành này mới bị đẩy lên cao như vậy".
Bất công khi làm tròn điểm?
Điểm cao cùng với quy định làm tròn điểm cũng khiến cho các thí sinh chênh lệch nhau chỉ 0.1 hay thậm chí 0,05 cũng đã đủ quyết định đậu rớt.
Việc làm tròn điểm dễ khiến thí sinh chênh nhau 0,05 cũng đủ đậu rớt. Ảnh minh họa: Quỳnh Anh
Hoàng Đình Quang - thủ khoa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương 2016 đã phân tích: "Năm nay, điểm các thí sinh rất cao, vì vậy chỉ cần chênh nhau 0,1 thậm chí 0,05 cũng sẽ quyết định đỗ hay trượt. Ví dụ nếu được 29,4 sẽ làm tròn lên 29,5 và đỗ y đa khoa HN. Nhưng nếu chỉ được 29,35 thì sẽ làm tròn xuống 29,25 và nhiều khả năng sẽ trượt nếu không thỏa mãn 4 tiêu chí phụ của Đại học Y Hà Nội. Như vậy, chỉ cần chênh nhau 0,05 điểm là một bạn trượt, một bạn đỗ. Như vậy rõ ràng, việc đề thi thiếu tính phân loại khi số lượng thí sinh điểm cao quá nhiều, thí sinh giỏi và thí sinh trung bình sàn sàn điểm nhau, sau đó lại làm tròn điểm đã gây nhiều sự bất công cho các thí sinh".
Quang cho biết thêm: "Đáng lẽ với mức điểm năm nay thì không nên làm tròn cả tổng điểm thi, như vậy các trường cũng không vất vả lọc điểm quá phức tạp, các thí sinh cũng không bị mất bình đẳng khi chỉ hơn kém 0,05 là trượt hoặc đỗ, và các em cũng có thể tự biết mình đỗ hay trượt chỉ cần nhìn điểm chuẩn thay vì phải nơm nớp lo sợ với 4 tiêu chí phụ phức tạp. Chắc chắn sẽ có rất nhiều em rơi vào mức điểm 29,25 vì 29,3; 29,35; 29,2; 29,15 đều sẽ được làm tròn thành 29,25 điểm. Và như vậy thì việc cộng điểm khu vực, với mức chênh lệch 0,5 giữa các khu vực cũng sẽ gây bất công lớn vì khi làm tròn điểm còn dông lên rất nhiều".
Việc làm tròn điểm đến 0,25 theo quy định của Bộ Giáo dục & đào tạo đã khiến nhiều trường phát sinh thêm các tiêu chí phụ để tuyển chọn thí sinh, do thí sinh có điểm 27,9 với thí sinh 28,1 sẽ được ở cùng một mức điểm khi xét tuyển. Vì vậy, tổng điểm 3 môn chưa làm tròn trở thành một trong những tiêu chí quan trọng khi xét tuyển của nhiều trường như ĐH Y Hà Nội hay ĐH Ngoại Thương.
Nhận xét
Đăng nhận xét