Vất vả nghề cửu vạn



Vất vả nghề cửu vạn

Từ hàng chục năm nay, người dân nhiều địa phương đổ về các con phố của thành phố Hà Tĩnh để tìm việc làm. Trong những năm gần đây, số lượng người đổ về ngày càng nhiều hơn. Người nhiều, việc ít khiến thu nhập của người làm cửu vạn cũng hết sức bấp bênh.

Tại góc ngã tư đường Nguyễn Du và đường Trần Phú, trời nắng cũng như lúc mưa rét, khi nào cũng có khoảng vài chục người ngồi chờ việc với đủ mọi lứa tuổi, người già nhất cũng đã 70, 75 tuổi, người ít cũng mười mấy tuổi. Họ đến từ nhiều xã vùng ven thành phố, nhưng nhiều nhất vẫn là từ xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Trong những ngày mưa rét, những người phụ nữ mặc áo mưa, ngồi tụm lại với nhau thành nhiều nhóm dưới các tán cây, dưới các mái nhà phố, cửa hàng trên vỉa hè. Lâu lâu, lại có người run lên cầm cập, hàm răng va đập vào nhau, dùng tay bó gối lại cho chặt mỗi khi có luồng gió mạnh rít qua.
Bà Nguyễn Thị Hà (phía trái, 65 tuổi, thôn Vĩnh Phong, Hộ Độ) chia nhau cốc nước với bạn nghề.


Đang ngồi co ro, bỗng một chiếc ô tô đỗ xịch. Cả nhóm bật dậy chạy nhanh lại xúm vào cửa xe. “Việc chi đó anh?” “Tôi có ít cát cần vài người bốc lên xe”, chủ xe nói. Sau khi thương lượng giá, cả bảy tám người vội vàng lấy xe đuổi theo chiếc ô tô.

Ông Trần Trung Quân (thôn Vĩnh Phúc, xã Hộ Độ) làm xe ngựa thồ nhìn cả nhóm phụ nữ đuổi theo xe ô tô cho biết, sau khi xong việc này mỗi người được khoảng 15 - 20 nghìn. Ở đây có nhiều tổ, khi có việc, bất kể việc gì lớn hay bé thì mọi người cùng chung nhau làm.

Ví dụ việc đó người ta trả 100 nghìn, thì hai người làm cũng từng đó tiền, mà năm hay nhiều người hơn cũng từng đó. Có những việc khi chia nhau chỉ còn 7 - 8 nghìn/người. Trừ khi ai có điện thoại riêng gọi việc, người đó gọi thêm một hai người nữa thì những người này đi riêng, còn không thì cứ đi chung cả đoàn.

Bà Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi, thôn Đồng Xuân, Hộ Độ) có 30 năm làm nghề cửu vạn. Gia đình bà có 3 con, nay đã học xong và đi làm. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, không cho con học được cao nên giờ mấy đứa cũng đi làm thuê rất vất vả, không có tiền về phụ bố mẹ.

Từ 4h sáng, bà đã phải dậy nấu cơm bỏ trong cặp lồng đem theo để ăn trưa, chủ yếu là cơm trắng kèm mấy con cá kho, trứng kho hoặc chiên, bữa nào đỡ hơn thì có miếng thịt cùng ít rau xào. Bất kể nắng hay mưa rét, khoảng 6h sáng là bà cùng mọi người đã đạp xe đến góc đường, bắt đầu chờ việc.
Ngồi chờ việc dưới mái hiên nhà phố nhưng nhiều hôm bị chủ nhà tìm đủ mọi cách để đuổi, thậm chí có nhà còn quét rác, hắt cả nước từ trên lầu xuống vì không muốn cửu vạn ngồi trước cửa nhà, cửa quán của mình.


Đến trưa, mỗi người một cặp lồng ngồi ăn. Trời tạnh còn đỡ, trời mưa phải ngồi luôn dưới tán cây trên vỉa hè, mưa nhỏ tí tách mà ăn. Nhiều hôm tủi thân bà vừa ăn vừa nuốt nước mắt vào trong, nuốt không trôi miếng cơm đã lạnh ngắt. Dù họ cũng muốn ngồi dưới mái nhà nào đó cho ấm nhưng thường xuyên bị chủ nhà tìm đủ mọi cách để đuổi, có nhà còn quét rác, hắt cả nước từ trên lầu xuống vì không muốn cửu vạn ngồi trước cửa nhà, cửa quán của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến