Giá heo hơi giảm có nên mạo hiểm vay vốn duy trì đàn?

Giá heo hơi giảm có nên mạo hiểm vay vốn duy trì đàn?

Giá heo hơi (lợn) gần một tháng qua đang có những biến động khó lường. Từ giá đáy 19.000 đồng một kg lên tới 47.000 đồng một kg chỉ trong vòng hai tuần, sau đó lại đi xuống mức 35.000 đồng. Nhiều người chăn nuôi vốn đã cạn và có nên vay vốn để tiếp tục duy trì đàn heo thời điểm này?

Giá heo hơi (lợn) từ 19.000 đồng nhảy vọt lên 47.000 đồng rồi bất ngờ quay đầu đi xuống là cho nhiều người chăn nuôi điêu đứng vì những diễn biến khó lường của thị trường giá thịt heo. Nhiều chuyên gia và những thương lái lâu năm cũng không thể dự đoán được trong thời gian tới giá heo hơi sẽ lên hay xuống.

Chị Hoàng Thị Trang, một người chăn nuôi ở Đồng Nai, cho biết: "Tôi mới nuôi heo được ba năm, những năm trước giá heo khá ổn định, đem lại nguồn thu cho gia đình. Tuy nhiên từ cuối năm ngoái đến nay giá heo hơi xuống quá thấp khiến bao nhiêu vốn liếng của gia đình đầu tư vào gần 500 con heo nay chẳng con bao nhiêu. Gia đình đã đầu tư khá nhiều vào hệ thống chuồng trại nếu giờ mà không nuôi nữa cũng phí, nhưng nếu tiếp tục duy trì đàn heo thì chúng tôi phải đi vay ngân hàng để có sức mà tiếp tục".
Có nên vay vốn ngân hàng để tiếp tục duy trì đàn heo thời điểm này là câu hỏi của nhiều người nuôi trong bối cảnh giá heo hơi lên xuống thất thường khó đoán. (Ảnh minh hoạ)

Cùng suy nghĩ với chị Trang ông Trương Quang Định người Khoái Châu, Hưng Yên cho biết: "Bao nhiêu vốn liếng đổ vào lợn hết rồi, giá lợn xuống thấp phải bán tháo để cắt lỗ, giờ trong nhà tôi cũng không còn nhiều lợn, đang duy trì một ít lợn con để có việc mà làm hàng ngày. Đợt vừa rồi thấy giá lợn lên cao gia đình bàn tính nhau có nên tiếp tục tái đàn thời điểm này không, nhưng chưa kịp quyết định thì giá lợn lại xuống khiến chúng tôi loay hoay không biết phải làm sao. Nếu giờ mà duy trì tiếp phải đi vay vốn ngân hàng để tiếp tục chứ chúng tôi cũng lực cạn rồi, nếu giờ mà không vay được chắc bán hết lợn để chuyển nghề khác làm".

PGS TS Phạm Ngọc Thạch, chuyên gia chăn nuôi thú y, cho biết: "Vào thời điểm này người nuôi nên duy trì đàn nái, và phải chọn những con nái có chất lượng tốt, năng suất để duy trì, những con chất lượng kém thì nên loại thải để giảm thiểu chi phí. Đối với lợn thịt, lợn thương phẩm thì không nên duy trì vì duy trì đàn lợn này sẽ tốn nhiều chi phí thức ăn. Nếu không bán được sẽ càng lỗ thêm".

Nếu phải vay vốn để duy trì những con nái có năng suất cao thì nên vay. Nếu ai cũng loại hết tất cả đi thì đến khi giá lợn lên lại không có để mà bán".

"Bà con nếu mới mở các trang trại hoặc chuyên môn chưa cao, hệ thống xử lý môi trường chưa tốt về lâu dài có thể gây ô nhiễm thì nên chuyển đổi vì phân và nước thải từ chăn nuôi lợn rất dễ gây ô nhiễm môi trường về lâu dài.

Nếu vay vốn nên vay ở mức vừa phải, không nên vay với số tiền lớn quá mà giá lợn thấp quá sẽ lỗ lớn. Nếu đầu tư vào liệu có gỡ gạc được không khi giá chưa ổn định. Nếu bà con có điệu kiện chăn nuôi tốt nên duy trì đàn nái, nếu khu vực chăn nuôi chưa có hệ thống xử lý môi trường tốt hay nguồn vốn kém nên chuyển đổi", đồng quan điểm với TS Thạch TS Trịnh Quang Tuyên, chuyên gia chăn nuôi thú y chia sẻ.

Trong khi đó tại một diễn biến khác, ông lớn ngành chăn nuôi là Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa có báo cáo tài chính cho thấy khoản lỗ lớn nhất từ trước đến nay, lên đến 33 tỷ đồng trong quý II năm 2017 do giá thịt lợn giảm.

Theo giải trình của Dabaco, quý II vừa qua là thời điểm khó khăn nhất của ngành chăn nuôi. Giá bán heo hơi giảm sâu khiến sụt giảm về giá bán thức ăn dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia công giảm so với quý II năm trước. Giá bán xuống thấp khiến người chăn nuôi lưỡng lự trong việc tái đàn làm ảnh hưởng đến doanh thu từ việc bán con giống của Dabaco.
Giá bán heo hơi giảm sâu khiến sụt giảm về giá bán thức ăn dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi của Dabaco bị ảnh hưởng.

“Đây sẽ là năm khó khăn nhất trong 21 năm hoạt động của Dabaco", ông Nguyễn Như So - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Dabaco chia sẻ trong cuộc họp với các cổ đông tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017. Cũng theo ông So ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn sẽ là hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trong bối cảnh giá thịt lợn như hiện nay.

Trong ba tháng đầu năm lợi nhuận của Dabaco chỉ đạt 13 tỷ đồng, giảm 78% cùng kỳ, cho dù doanh thu tăng 16%. Giá thực phẩm liên tục giảm mạnh làm cho doanh thu những hoạt động cốt lõi như sản xuất giống gia súc, gia cầm, chăn nuôi và chế biến thực phẩm cũng giảm theo dẫn đến thua lỗ gần 54 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 14,5 tỷ).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến